Asset Publisher

null BÁC DẠY BÀI HỌC TUYÊN TRUYỀN

Trang chủ Chi tiết bài viết

BÁC DẠY BÀI HỌC TUYÊN TRUYỀN

ỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)

Công tác tuyên giáo của Đảng nói chung, công tác tư tưởng nói riêng luôn giữ một vị trí quan trọng. Nhiệm vụ tuyên giáo được các cấp ủy Đảng xem như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Vào những năm 1961-1964, đồng thời với việc đẩy mạnh toàn diện các hoạt động tư tưởng, khoa giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo cụ thể hơn hoạt động tuyên giáo ở các vùng, đặt biệt là ở miền núi. Đồng bào các dân tộc ở miền núi trước cách mạng tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ, đã chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, hi sinh để nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che cán bộ, bộ đội, cũng như xây dựng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của Bác, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đã có những thay đổi, song vẫn còn nhiều khó khăn yếu kém. Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền tại địa bàn miền núi, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc, tháng 8-1963, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi. Ngày 31-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị và nói chuyện thân mật với các đại biểu. Trên tinh thần, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1), Người đã có những lời chỉ dạy dành cho ngành tuyên giáo nói chung và cán bộ tuyên giáo nói riêng.

Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi đã giúp đại biểu trong các lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương có cái nhìn cơ bản, toàn diện về những nhiệm vụ cần làm để giúp đỡ đồng bào miền núi tiến kịp miền xuôi. Trong khi nói chuyện, bên cạnh việc nhắc nhở một số điểm còn thiếu sót trong công tác tuyên truyền, Bác cũng chỉ ra những nguyên tắc tuyên truyền ở địa bàn miền núi để giảng giải cho cán bộ có thêm kinh nghiệm, làm việc tốt hơn. Những lời căn dặn sâu sắc ấy vừa là lý luận, vừa là thực tiễn, vừa là tình cảm của người đi trước, vừa là lời giáo huấn dành cho thế hệ kế cận sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác tuyên giáo cần xem trọng tất cả các đối tượng tuyên truyền. Mở đầu bài nói chuyện, nhận xét về thành phần Hội nghị, Bác phê bình: “Cả Hội nghị có hơn 200 đại biểu, thế mà chỉ có 5 phụ nữ, trong 5 phụ nữ lại không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào… Trong cuộc Hội nghị này có 12 dân tộc, như thế là tốt. Nhưng chưa đủ. Có 26 cán bộ xã và hợp tác xã, như thế cũng ít” (2). Nói về vai trò, vị trí của phụ nữ dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng, Bác cho rằng: “Trong lúc còn công tác bí mật, trước cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến, các chị em phụ nữ miền núi rất anh dũng bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cách mạng... Nhiệt tình cách mạng của chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số cao như vậy đấy. Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao” (3). Bác nhắc nhở cán bộ tuyên giáo ở địa phương phải luôn xem trọng vai trò của phụ nữ, vai trò của hợp tác xã trong mọi hoạt động: “Một cuộc họp như thế này, mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò của phụ nữ… Điều này chứng tỏ cái gì? Nó chứng tỏ rằng trong công tác tuyên giáo, đối với phụ nữ các chú chưa xem trọng, đối với hợp tác xã cũng chưa xem trọng…” (4). Như vậy, muốn cho công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi thành công để miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi, cán bộ tuyên giáo phải nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của tất cả các đối tượng và luôn đề cao sự góp sức của toàn thể đồng bào, không phân biệt giới tính, dân tộc.

Bên cạnh việc nhận thức đúng về vai trò của nhân dân, một yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền là phương pháp làm việc của cán bộ tuyên truyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”(5) để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Định nghĩa về tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” (6). Cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”(7). Việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền, mỗi đối tượng có một cách tuyên truyền khác nhau. Tuyên truyền cho đồng bào miền núi khác, đồng bào miền xuôi khác, thậm chí có khi cùng là tỉnh miền núi nhưng “một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đối cho thích hợp” (8). Đối với mỗi đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được. Riêng với đồng bào miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo “một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? Làm như thế nào” (9) và “… không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả” (10). Như vậy, để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”(11). Nếu“nói hay mà không hiểu”(12) thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”(13). Bác kể: “Có hai đồng chí cán bộ, một nam, một nữ, đến nói chuyện ở nhà văn hóa Tân Trào. Mỗi đồng chí diễn thuyết hết một giờ. Diễn thuyết song, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng, Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: các đồng chí nói rất hay nhưng tôi không hiểu gì cả”. Qua đó, Bác rút ra kết luận:“Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được” (14). Trong những lần tuyên truyền cho đồng bào, Bác thường chọn cách tuyên truyền bằng ví dụ cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày để kéo khái niệm lí luận trừu tượng đến gần với đời sống của nhân dân, giảng giải cho nhân dân thấm nhuần đường lối.Thời kỳ kháng chiến, nhiều cán bộ đi tuyên truyền về đường lối “trường kỳ kháng chiến”, khi nhân dân chất vấn “kháng chiến khi nào thì thành công” thì không giải thích được, bèn về hỏi Bác. Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể để đồng bào dễ hiểu, các chú lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con…”. Để giải thích cuộc kháng chiến ngắn hay dài, Bác cầm một cái gậy, Bác hỏi dài hay ngắn. Có người bảo dài, có người bảo ngắn. Bác nói dài hay ngắn là tùy từng người. Cuộc kháng chiến dài hay ngắn tùy thuộc nhân dân ta, tùy thuộc ở tất cả mọi người, nhân dân đoàn kết, cán bộ gương mẫu, gần dân, hướng dẫn nhân dân kháng chiến thì kháng chiến sẽ không dài (15). Những câu chuyện của Bác hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, lý luận thì ngắn gọn, cô đọng, còn thực tiễn thì sinh động, dễ hiểu nên đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bên cạnh việc xác định nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò có ý nghĩa quyết định của người tuyên truyền. Bác quan niệm tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Thứ hai là phương pháp tuyên truyền. Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể, do đó, người tuyên truyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Quan điểm này Bác cũng đã nhiều lần nhắc tới mỗi khi có dịp nói về vai trò của cán bộ nói chung đối với sự nghiệp cách mạng “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (16). Vậy cán bộ tuyên truyền là những ai? Nói về lực lượng này, Bác cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền mà bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Về phẩm chất của cán bộ tuyên truyền ở cơ sở, Bác đòi hỏi ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công việc:“...Các chú cần tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm… Không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”(17), “Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung” (18). Đối với cán bộ trung ương, Bác đề nghị: “…Đến đây, không phải chỉ để nghe, mà phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi.... chứ không phải đến dự cho có mặt đông đủ rồi về” (19). Theo Bác, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức về trình độ nhân dân nơi mình đến tuyên truyền cùng những phong tục, tập quán của địa phương ấy, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn “bởi vì đời sống, trình độ đồng bào … khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác nhau”(20). Cán bộ tuyên truyền đi làm việc chỗ nào cần học tiếng ở đấy, để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hòa mình với đời sống đồng bào, có gần gũi như thế mới được đồng bào tin cậy, mến phục, mới gây được mối thiện cảm bền lâu: “Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy. Ví dụ các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ăn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có khi phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng”(21). Bác động viên cán bộ tuyên truyền: “Bác cho rằng học tiếng của các dân tộc không khó lắm đâu” (22). Biết tiếng nói của đồng bào chưa đủ, cán bộ tuyên truyền còn phải gương mẫu, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân vì “nói hay mà không làm thì vô ích” (23). Trước đó, trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỉ mỉ: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Phải hoà đồng với người dân: dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Thái độ phải mềm mỏng, đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn” (24). Như vậy, một khi cán bộ tuyên truyền đã hòa mình vào với nhân dân, hiểu nhân dân, xây dựng tình cảm tốt nhất với nhân dân, chắc chắc hoạt động tuyên truyền sẽ tạo được sức cuốn hút và cảm hoá mọi người, sẽ thu được hiệu quả cả về nhận thức lẫn hành động đối với quần chúng.

Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm” (25). Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Kết thúc bài nói chuyện tại Hội nghị, Bác nhắc lại một lần nữa về tầm quan trọng của nhiệt tình cách mạng và tình yêu thương đồng bào: “Công việc của các cô, các chú không phải đơn giản. Nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt” (26). Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”(27). Và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng, mới hiểu sâu sắc những thiếu thốn, những ước mong của quần chúng để báo cáo lại với Đảng, với Chính phủ tìm cách giúp đỡ nhân dân. Cuối cùng, để cán bộ yên tâm công tác, không vì chủ quan nóng vội mà làm ẩu cho xong việc, Bác căn dặn: “Tuyên huấn phải làm, mà làm phải bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc” (28), “Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy” (29) . Bên cạnh đó, để làm tốt công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào cũng như củng cố phát triển tốt Đảng, Đoàn thanh niên, Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tránh thói công thần, phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc, phải xây dựng nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã. Sự quan tâm, chỉ bảo, động viên của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, nhắc nhở cán bộ tuyên truyền, dù ở nơi miền núi rừng thiêng nước độc hay trên những tuyến lửa ác liệt, mưa bom bão đạn vẫn luôn vững tin vào bản thân và con đường mình lựa chọn “tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình” (30).

Bên cạnh việc phân tích những nguyên tắc tuyên truyền, tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt ngắn gọn và đơn giản những vấn đề cơ bản nhất của công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi lúc bấy giờ để giúp các cán bộ có cái nhìn toàn diện về công tác tuyên truyền nói riêng và sự nghiệp cách mạng ở miền núi nói chung. Mỗi giai đoạn cách mạng có mục đích và nhiệm vụ tuyên truyền, huấn luyện khác nhau: “Trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để làm độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”(31). Còn nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: “Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”(32). Để đạt được những điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cụ thể những việc cần làm ngay: “Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì mỗi người phải làm cái gì?” (33), phải “đoàn kết dân tộc, củng cố hợp tác xã, phát triển thuỷ lợi, mở mang đường xá, đẩy mạnh sản xuất”, xoá “mê tín hủ tục”, phát triển “văn hoá giáo dục, vệ sinh phòng bệnh”. Tất cảnhững công việc này không phải đơn giản nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt.

Bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi là một trong những bài thể hiện quan điểm tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huấn thị của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo đối với việc xây dựng miền núi và công tác tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc, mà còn có ý nghĩa chỉ đạo đối với công tác tuyên giáo nói chung. Thông qua hệ thống những bài nói chuyện, bài viết ngắn gọn, súc tích như thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ngành tuyên giáo những nguyên tắc và kinh nghiệm quý giá để làm tốt công tác tuyên truyền. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay, công tác tuyên giáo của Đảng vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng. Bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng còn không ít những hạn chế. Khéo léo vận dụng bài học tuyên truyền của Bác, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói riêng và những nhiệm vụ tuyên giáo nói chung, chắc chắn cán bộ tuyên giáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Bác đã tin tưởng, giao phó. Đối với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để tiếp tục tuyên truyền một cách cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng phô trương, hình thức, cán bộ tuyên truyền nên sử dụng chính bài học và kinh nghiệm tuyên truyền mà Bác chỉ dạy. Như nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng nói, để hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đừng quá nặng tìm kiếm những pho sách đồ sộ mà độ dày có thể lấy thước đo”, nên bắt đầu tìm hiểu từ chính cuộc sống đời thường của Bác. Những câu chuyện về cuộc đời của Người đã “trở thành kinh điển để lại cho đời sau không chỉ hình bóng và tư tưởng của một con người mà còn in dấu của một trong những thời kỳ hào hùng nhất của lịch sử dân tộc” (34). Khi soi vào cuộc đời rất bình dị nhưng vô cùng vĩ đại ấy, chúng ta tìm thấy rất nhiều bài học lớn. Để biết thêm về lối sống giản dị, khiêm tốn “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, trọn vẹn dâng hiến cho Tổ quốc và nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ mỗi chúng ta không thể không một lần đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - khu tưởng niệm quan trọng liên quan đến 15 năm sống và làm việc của Người từ tháng 12-1954 đến tháng 9-1969. Đi giữa màu xanh cây lá của “cõi Bác xưa” và lắng nghe câu chuyện về Bác gắn với nhà sàn, hàng cây, ao cá, chắc chắn lớp cháu con của Người sẽ thấy lòng trong sáng hơn, thấy gợi mở trong lòng nhiều suy nghĩ tích cực về ý nghĩa của cuộc sống để sống tốt hơn.

______________

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.269.

(6) Sđd, tập 5, tr.162.

(2), (3), (4), (5), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (25), (26), (27), (28), (29), (31), (32), (33) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, tập 5, tr.127, tr.128, tr.128, tr.128, tr.128, tr.128, tr.128, tr.129, tr.130, tr.129, tr.130, tr.137, tr.128, tr.131, tr.128, tr.128, tr.137, tr.137, tr.136, tr.128, tr.138, tr.128, tr.133, tr.138, tr.130, tr.130, tr.130.

(16) Sđd, tập 5, tr.273.

(30) Sđd, tập 8, tr.385.

(15) Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, tr. 155-156.

(24) Báo Sự thật số 79 (từ ngày 26/6 đến ngày 9/7/1947)

(34) Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, tr.6.

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

Asset Publisher

Untitled Banner hình ảnh

DVCTT

VBQPPL

Untitled Banner hình ảnh

Asset Publisher